Nhiều khả năng sẽ lại có người từ chức sau thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup năm nay, nhưng có lẽ điều đó chẳng thể giúp cho bóng đá Việt Nam thay đổi được gì. Điều mà người hâm mộ chờ đợi, là liệu các nhà quản lý nhìn nhận thất bại này như thế nào để có chiến lược cả tổ của cả nền bóng đá tới đây.
Sau thất bại nặng nề tại SEA Games 26, VFF đã cho từ chức cả TTK Trần Quốc Tuấn và HLV Falko Goetz. Thế nhưng năm nay, đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) lại đi vào vết xe đổ, thậm chí thất bại còn đau đớn hơn nhiều khi không vào đến bán kết. Như vậy là việc cứ đè một ai đó ra để “trảm” chỉ là “tốt thí”, chẳng giải quyết được bản chất của vấn đề. Chính vì thế, mà sau khi một số thông tin cho rằng VFF khả năng sẽ sa thải HLV Phan Thanh Hùng, nhiều người đã cười tủm: “Đúng là cách làm quen thuộc của VFF”.
Thực tế, để có một đội tuyển mạnh, sẽ cần có nhiều yếu tố và phải có quá trình. Nhìn lại lực lượng của ĐTVN năm nay, chúng ta quá trông chờ vào những cựu binh như Hồng Sơn, Công Vinh, Minh Đức..., những người đã bước qua thời kỳ đỉnh cao của mình. Cuối cùng thì tất cả đã thấy, tại AFF Cup năm nay, ngoài Tấn Tài vẫn thể hiện được sự xông xáo, thì đa phần còn lại đều thi đấu nhạt nhòa, không dấu ấn.
Bóng đá Việt Nam đã có một kỳ AFF Cup đầy thất vọng
Suốt 4 năm qua kể từ khi ĐTVN lên ngôi vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam đã sống bằng ánh hào quang quá khứ mà quên đi nhiệm vụ sống còn là tạo ra một thế hệ cầu thủ mới, có khát vọng. Những người hiểu rõ về bóng đá Việt Nam quá hiểu, chuyện những cầu thủ có nhiều năm ăn cơm tuyển như Công Vinh, sẽ thi đấu vì nhiều mục đích, chứ không phải đặt màu cờ sắc áo lên hàng đầu. Biết là vậy, nhưng 4 năm qua, VFF vẫn thờ ơ với công tác đào tạo trẻ, hy vọng vào điều gì đó từ những cầu thủ chỉ đặt lợi ích cá nhân lên trên hết.