Các chuyên gia bóng đá trong nước đều chung quan điểm, để các tài năng trẻ không bị thui chột, cần có một chiến lược phát triển đồng bộ với sự chung tay của LĐBĐVN (VFF) và các CLB.
Quản lý cầu thủ chuyên nghiệp
Thành công của đội tuyển U19 VN ở Giải vô địch ĐNA và Vòng loại châu Á 2014 đã khiến nhiều người giật mình nhìn lại công tác đào tạo trẻ của bóng đá VN. Vì sao các cầu thủ VN, thi đấu rất xuất sắc ở các lứa tuổi U, nhưng lại không phát huy được tố chất khi bước vào giai đoạn trưởng thành là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Nếu chỉ trông chờ vào hệ thống đào tạo trẻ hiện đại của HA.GL là không đủ nâng chất cho nền bóng đá VN, theo các chuyên gia bóng đá
Trao đổi với PV, hôm qua, chuyên gia Trần Văn Phúc cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. “Cầu thủ của ta, tính chuyên nghiệp rất thấp, đặc biệt là các cầu thủ trẻ. Nhiều cầu thủ mới thể hiện được một chút thôi, cộng thêm được nuông chiều, lập tức sinh hư. Nói chẳng đâu xa như lứa U16 hồi năm 2000, nhiều cầu thủ về CLB lập tức sa vào rượu chè be bét, rồi cờ bạc với các tệ nạn khác. Như thế làm sao phát triển thành tài được”-Ông Phúc nói.
Theo chuyên gia Trần Văn Phúc, để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của VFF với các CLB, đặc biệt trong khâu đầu tư và quản lý. “Đại hội VFF nhiệm kỳ VII, theo tôi dù ai đắc cử cũng cần đặt nhiệm vụ đào tạo trẻ lên hàng đầu. Việc quản lý các cầu thủ cũng cần theo hướng chuyên nghiệp. Tôi biết một số nơi đang thực hiện việc này rất chặt chẽ, VFF nên tham khảo để nhân rộng ra các địa phương”.
Mô hình cần nhân rộng
Theo ông Phúc, mô hình đào tạo của học viện HA.GL đã đem lại những hiệu quả tích cực ban đầu, thể hiện qua thành công của đội U19 VN, với nòng cốt đa phần là các cầu thủ của bầu Đức.
“Công tác quản lý, cơ sở vật chất của HA.GL đều rất tốt. Họ lại có HLV nước ngoài hướng dẫn. Thành công là chuyện tất yếu. Tuy nhiên đây chỉ là thành công bước đầu. HA.GL cũng chỉ có chừng hơn chục cầu thủ ở đội U19.