Thua 0-7 trước U19 Nhật Bản không chỉ là chuyện của U19 Việt Nam. Trên thực tế, đó là bài học cho cả một nền bóng đá mang rất nhiều ảo tưởng của nước nhà.
Chỉ biết mơ cho... sướng!
Có một sự thật: chúng ta luôn thích những điều dễ lọt tai nhất. Mỗi khi có một danh thủ (hoặc cựu danh thủ) nước ngoài đến Việt Nam, chúng ta đều muốn nghe những lời chúc tụng hào nhoáng. Mới đây nhất, Dwight Yorke được “mớm lời” chúc Việt Nam sớm dự World Cup. Được dự World Cup thì nền bóng đá nào cũng muốn, cũng mơ. Nhưng mà thực tế thì, “cứ mơ đi đã, rồi tới đâu tính tới đó”.
Từ thời “thế hệ vàng” của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh… đã có người nói về giấc mơ World Cup. Rồi sau đó đến lứa của Văn Quốc, Quốc Vượng, Như Thuật, Lâm Tấn… Sau khi gây ấn tượng ở giải U16 châu Á năm 2000, họ được gắn lên vai giấc mơ World Cup, để rồi sau đó khép lại một thế hệ đầy tai tiếng và bẽ bàng.
Giấc mơ ấy lại được nói đến khi thế hệ của Lê Công Vinh xuất sắc mang về ngôi quán quân Đông Nam Á. Và, khi các em U19 thi đấu thành công tại giải trẻ khu vực vài tháng trước trên đất Indonesia, người ta lại vẽ ra cảnh World Cup có tên ĐTQG Việt Nam.
Nhân chuyện giấc mơ World Cup, cũng như thất bại của U19 Việt Nam trước U19 Nhật Bản, cùng bàn về việc hiện thực hóa giấc mơ giữa hai nền bóng đá.
Hãy học theo người Nhật
Đất nước xứ mặt trời mọc chính thức bước lên bóng đá chuyên nghiệp từ 1992, với giải J-League. Sau khi giành quyền đăng cai World Cup 2002 cùng với Hàn Quốc, Nhật quyết tâm phải góp mặt ở France 1998 vì không muốn mang tiếng lần đầu có vé là vì là "chủ nhà". Và họ đã thành công.