Những kỳ vọng phi thực tế đặt lên vai U19 Việt Nam đã chấm dứt sau trận chung kết vừa qua, nhưng thực tế là họ cũng đã chơi hay quá mức những gì chúng ta có thể hy vọng nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh của bóng đá Việt Nam.
Vì thế, khi cánh gà đã khép lại và sân khấu tắt đèn, đừng để họ đối diện với nỗi buồn một mình.
U19 Nhật Bản là ai?
Đó là một chiến thắng sít sao và tương đối vất vả của U19 Nhật Bản, nhưng khoảnh khắc mà Omotehara Genta sút tung lưới U19 Việt Nam cho thấy rằng đẳng cấp chênh lệch trời vực giữa hai đội vẫn tồn tại và thắng lợi này là tất yếu. Vì sao tất yếu ư? Chúng ta hãy nhìn qua đội hình xuất phát của đội U19 Nhật Bản ở trận này, với “xuất thân” và kinh nghiệm của họ:
Thủ môn: Yoshimaru Kenshin: Bắt cho Vissel Kobe (J-League)
Hậu vệ
Uchiyama Uki: trưởng thành từ đội trẻ Consadole Sapporo (J-League 2) và đã được đôn lên đội một
Miura Genta: Chơi cho Shimizu S-Pulse (J-League) và đã đá 1 trận trọn vẹn ở J-League
Oyama Keisuke: Chơi cho Omiya Ardija (J-League)
Kaneko Shota: Chơi cho Shimizu S-Pulse (J-League), đã từng ra mắt J-League vào ngày 30/8 vừa qua, trong trận hòa 2-2 trước Sagan Tosu.
![]() |
Miura Genta (trái), đã ra mắt J-League trong màu áo Shimizu S-Pulse, chụp ảnh lưu niệm trong chuyến thăm Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cách đây vài ngày. |
Tiền vệ
Matsutomo Masaya: Chơi cho Oita Trinita, ra mắt J-League từ tháng Ba năm ngoái
Daisuke Sakai: Chơi cho U18 Oita Trinita
Daisuke Takagi: Chơi cho Tokyo Verdy (J-League 2), đã chơi 8 trận ở J-League 2, ghi một bàn và kiến tạo một bàn
Ando Akira: Chơi cho Fukushima United (J-League 3), đá 19 trận ở giải hạng Ba Nhật, ghi hai bàn
Tiền đạo
Ochi Yamato: Đại học quản lý Sanno
Naoki Ogawa: Đá cho Gamba Osaka (J-League), đã chơi 7 trận ở hạng Ba Nhật cho đội B, và 3 trận ở Cúp QG Nhật Bản.
Cầu thủ vào thay người và ấn định chiến thắng 1-0 cho U19 Nhật Bản, Omotehara Genta, đang chơi cho Ehime FC ở J-League 2, đã ra sân 13 trận, ghi 1 bàn. Chúng ta rút ra được gì từ những thống kê ở trên: Đội hình xuất phát của U19 Nhật Bản trong trận gặp U19 VN có 6 người đang chơi cho các CLB J-League, 2 người đá cho CLB thuộc J-League 2 và 1 người chơi cho 1 đội ở J-League 3 (không biết V-League có bằng J-League 3 không), chỉ có 1 người đến từ đội bóng trường đại học (Ochi Yamato của Đại học quản lý Sanno) và 1 người vẫn đang ở đội U18 (Daisuke Sakai của U18 Gamba Osaka).
Trong đó, có 3 người đã ra mắt J-League, 2 người đã được ra sân tương đối thường xuyên ở J-League 2 và 1 người, theo thống kê, dường như còn là trụ cột của đội ở J-League 3 (Ando Akira của Fushimoto FC). Cầu thủ vào thay người Genta ghi bàn duy nhất cũng đã đá 13 trận ở J-League 2.
Một học viện chống lại một nền bóng đá
Số này tất nhiên được sàng lọc và chinh chiến khắc nghiệt từ môi trường bóng đá học đường của Nhật Bản đầy tính cạnh tranh và tiếp tục sàng lọc ở các lứa U của các CLB chuyên nghiệp Nhật Bản, trước khi thử lửa ở hạng đấu chuyên nghiệp. Đứng sau đội U19 Nhật Bản là cả một nền bóng đá hùng hậu đã phát triển cực kỳ mạnh mẽ trong bốn thập kỷ qua, có nội lực rất mạnh mẽ và đầy chiều sâu.