4 bảng đấu của VCK U19 châu Á 2014, bảng C có sự góp mặt của U19 Nhật Bản, đội 12 lần vô địch Hàn Quốc và Trung Quốc là khó nhất. Rủi cho U19 Việt Nam là chúng ta lại rơi vào đúng bảng này.
![]() |
So với các bảng đấu khác, bảng C khó hơn vì tập hợp đến 3 đại diện của các nền bóng đá hàng đầu châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ví như ở bảng A, chủ nhà Myanmar chỉ nằm chung bảng với đại diện thuộc Đông Nam Á là Thái Lan, cùng Yemen, vốn không phải là mạnh. Bảng A chỉ có Iran thực sự đáng gờm.
Các bảng B (Uzbekistan, Australia, UAE và Indonesia) và D (Iraq, CHDCND Triều Tiên, Qatar và Oman) cũng khó, nhưng so với bảng C vẫn không khó bằng, vì Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc quá đều. Ngoài việc gặp các đối thủ mạnh, các đội dự VCK U19 châu Á 2014 còn đối diện với lịch thi đấu khá khắc nghiệt. Ở vòng bảng, tất cả 16 đội dự VCK năm nay đều phải đá với mật độ 2 ngày/trận, riêng 3 trận vòng bảng của các đội chỉ diễn ra trong 4 ngày.
Đã vậy, ngoài chủ nhà Myanmar và một ít đội bóng gặp may mắn khác, một nửa số đội dự VCK năm nay còn phải lo di chuyển vài trăm cây số trong ngày nghỉ giữa loạt trận thứ 2 và loạt trận thứ 3 vòng bảng. Cụ thể, đội tuyển U19 Việt Nam sau khi đá trận thứ 2 vòng bảng với Nhật Bản vào ngày 11/10 ở Nay Pyi Taw, sau đó phải di chuyển từ Nay Pyi Taw đến cố đô Yangon để đá tiếp trận thứ 3 với Trung Quốc vào ngày 13/10.