Nỗi lo được báo trước
Ngay trước khi giải khởi tranh, nỗi lo ĐT Việt Nam yếu hàng thủ đã là nỗi lo được thấy trước, khi nhìn vào những con người mà chúng ta đang có. Ở hàng hậu vệ, ngoại trừ trung vệ Phước Tứ, không ai đáng gọi là hậu vệ có đẳng cấp.
Xu thế của V-League trong nhiều năm liên tục vừa qua đã làm hại đội tuyển. Việc các CLB trong nước sử dụng cầu thủ ngoại quá nhiều ở vị trí trung vệ khiến cho các trung vệ nội không còn có nhiều đất diễn, hoặc có thi đấu cũng mang theo tâm lý dựa vào các ngoại binh.
Cũng vì xu thế đá bóng dùng sức ở V-League khiến cho các trung vệ thế hệ sau những Như Thành, Phước Tứ, Minh Đức chơi bóng dựa quá nhiều vào sức, mà kém ở khả năng đọc tình huống, khả năng phán đoán đối thủ, cũng như kỹ năng đoạt lại bóng.
Pha đánh đầu về của trung vệ Đinh Tiến Thành phản ánh sự yếu kém đó. Đấy là tình huống mà trung vệ đang khoác áo Hải Phòng không hề bị gây áp lực, anh cũng có rất nhiều giải pháp để xử lý, nhưng lại chọn giải pháp… dở nhất.
Tiến Thành chọn giải pháp dở, bởi cơ bản anh không phải là trung vệ… hay. Chúng tôi cho rằng HLV Miura nhận định đúng khi nói về mặt hệ thống, hàng thủ của ĐTVN đá không tệ, vì vị HLV người Nhật đã bố trí một hệ thống phòng ngự khá an toàn, gồm đến 2 tầng (2 tiền vệ trung tâm chuyên về thủ, cộng với 4 hậu vệ có thể hình tốt). Nhưng bất chấp hệ thống được tổ chức nhiều lớp, chúng ta vẫn thua vì sai lầm cá nhân. Mà sai lầm cá nhân của Đinh Tiến Thành chủ yếu là do chất lượng con người của chúng ta kém, chứ lỗi không nằm ở HLV.
Mà không chỉ có Đinh Tiến Thành, hầu hết các trung vệ còn lại của ĐTVN hiện không phải là trung vệ giỏi. Những Quế Ngọc Hải, Thanh Hiền, hay Huy Cường đều có chung điểm yếu như Tiến Thành, đó là đọc tình huống kém, kỹ nặng đoạt bóng kém, bọc lót không tốt, khỏe nhiều hơn… khôn.
An toàn là trên hết
Dĩ nhiên, sửa lỗi cho những hậu vệ có chất lượng không cao không phải là chuyện có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Muốn biến một trung vệ có trung bình thành một trung vệ giỏi cũng không phải là điều thích là làm được.