Giải chỉ còn 3 vòng, những yếu tố gì quyết định đến thành tích cả mùa? Dĩ nhiên, cầu thủ vẫn là những nhân vật chính trên sân, mà nhiều khi HLV muốn họ đá theo ý mình cũng chịu. Những cầu thủ đang hết hợp đồng, hoặc đã “ký nháy” với đội khác càng khó bảo. Họ phải giữ chân cẳng để bảo vệ giá trị hợp đồng chuyển nhượng.
1. Theo tiền lệ, những trận cuối mùa là thời điểm làm ăn của cầu thủ. Họ có quyền “chảnh” để buộc lãnh đạo phải bung tiền ra thưởng. Năm nay, không có trận play-off nên mức độ làm reo để kiếm tiền thưởng với lãnh đạo được dự đoán là dâng cao.
Đội nào càng gần cửa tử, hoặc muốn lọt vào tốp 4 để báo cáo thành tích, càng phải chi đậm. Không chỉ cho đội mình, còn phải “mưa móc” cho những đối thủ đã trụ hạng, hết động lực mỗi lần chạm trán.
Những trận đấu ở giai đoạn cuối mùa giải càng ngày càng trở nên khó dự đoán
Nếu đón tiếp không tử tế, ngộ nhỡ họ cắn răng ra đá, thiệt đơn thiệt kép. Ngay cả Hải Phòng dù đã rớt hạng thì họ vẫn còn có quyền lực. Thanh Hóa mới đây nếm mùi thất bại cay đắng, chẳng qua do chọc giận thầy trò HLV Lê Thụy Hải.
Xem ra, với bóng đá ta, tiền thưởng vẫn là quyết định đến thành bại, nhất là lúc này. Có tiền thưởng càng cao, cầu thủ chắc chắn sẽ hưng phấn. Năm ngoái, Hải Phòng sau khi treo thưởng 10 tỷ cho 4 trận cuối đã trụ hạng một cách ngoạn mục. Năm nay, nếu họ bung tiền sớm, chơi đẹp với cầu thủ như tiền lệ, dễ chừng họ đã đứng trên những K.KH, K.KG, TĐCS.ĐT. Đơn giản vì Hải Phòng từ năm ngoái trở về trước có nhiều tiền, dám vung tay bạt mạng.
Có điều, cầu thủ Hải Phòng sau đó cũng bảo rằng họ không được nhận như những gì đã treo thưởng. Vậy thì, những con số khủng chui vào túi ai? Liệu, 2 trọng tài Văn Quyết, Công Trọng có được chút “mưa móc” nào, khi bị cho là đã góp công sức lôi đội bóng đất Cảng ra khỏi vũng bùn để rồi bị loại ra khỏi đời sống bóng đá?