Trong công văn ông Đỗ Quang Hiển trong tư cách là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn T&T (T&T Group) và Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) dùng luật kinh tế để giải thích rằng: Tập đoàn T&T và Công ty CP thể thao T&T là 2 đơn vị pháp nhân độc lập, có tài khoản và con dấu riêng và không liên quan gì đến nhau. Tương tự như vậy là trường hợp của ngân hàng SHB và Công ty CP thể thao SHB.Đà Nẵng.
Riêng chuyện trùng tên T&T và SHB, theo ông Hiển là “không có nghĩa là T&T Group hay SHB nắm quyền quản lý Cty thể thao T&T và Cty thể thao SHB.ĐN”. Bầu Hiển giải trình thêm rằng “nếu VFF cần thì chúng tôi sẽ công báo cáo tài chính để chứng minh sự độc lập giữa các pháp nhân”.
Người ta không rõ bầu Hiển muốn nói cái gì về tính pháp nhân độc lập bởi chẳng lẽ ở Việt Nam hiện nay có doanh nghiệp hay công ty nào ra đời và hoạt động mà không có (và cần) tư cách pháp nhân độc lập?! Cách giải thích của bầu Hiển muốn nhấn vào khái niệm “sở hữu và quản lý” trong công văn của VFF để lờ đi mối liên của ông với 2 đội bóng HN T&T và SHB.ĐN. Tuy nhiên, đến đoạn cuối công văn phúc đáp, chính bầu Hiển lại thừa nhận rằng T&T Group và SHB lần lượt chiếm 15% và 11% vốn trong 2 công ty thể thao T&T và SHB.ĐN.
Không liên quan, không có quyền quản lý mà chính bản thân bầu Hiển lại góp vốn ở 2 đội bóng HN T&T và SHB.ĐN. Bầu Hiểu, một là người “thích đùa” hoặc thứ hai ông thích “vất tiền” vào 2 đội bóng rồi ai làm gì thì mặc.
Tội ai, lỗi ai?
Xét tất cả khía cạnh bầu Hiển “có lỗi chứ không có tội”. Theo nguyên tắc phổ quát nhất của pháp luật: công dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm nhưng những người có trách nhiệm, nắm quyền điều hành, quản lý… chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.