Khác với cách nay vài năm, nhiều địa phương, kể cả các đô thị lớn không còn mặn mà trong việc nuôi hoặc giữ CLB bóng đá, bởi đơn giản bóng đá bây giờ quá tốn kém, trong khi phần thu lại gần như con số 0.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều địa phương hiện nay không còn mặn mà với bóng đá đỉnh cao, mặn mà với giải V-League. Cách nay 1 năm Khánh Hòa quyết định bán đội bóng cho V.Hải Phòng, sau khi Khatoco rút lui.
Khánh Hòa không phải là tỉnh nghèo, nhưng họ vẫn bỏ đội bóng vì sợ lãng phí
Khánh Hòa là một trong những địa phương đóng góp cho ngân sách tốt nhất cả nước hàng năm. Tin rằng họ không thiếu kinh phí, cũng như không thiếu doanh nghiệp nuôi đội bóng theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung”. Nhưng vấn đề ở đây có lẽ là địa phương không thấy đầu ra tốt của bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam hiện nay, để đổ tiền hoặc kêu gọi doanh nghiệp đổ tiền vào đấy.
TPHCM cũng vậy, nơi đây là đô thị lớn nhất nước, với mức đóng góp cho ngân sách luôn đứng đầu Việt Nam. Dù vậy, nhiều năm qua, hoạt động bóng đá đỉnh cao của TPHCM cũng không còn sôi nổi như trước. Thành phố có lẽ đã quá thấm thía với những dạng CLB như Navibank Sài Gòn, hay XM Xuân Thành Sài Gòn, rồi trước nữa là Sài Gòn United.
Những doanh nghiệp này khi mới đến với bóng đá thì bảo làm vì bóng đá thành phố, vì niềm tự hào của người hâm mộ TPHCM, nhưng kỳ thực lúc đầu tư họ toàn nhắm đến những lô đất đẹp, những dự án đẹp của thành phố, hoặc đòi hỏi những ưu đãi này khác. Đến lúc không xin được dự án, không được cấp đất thì tình yêu của họ với bóng đá thành phố cứ thế phai nhạt theo, trước khi họ bỏ bóng đá không thương tiếc.