Nếu coi Chủ tịch VFF giống như ông chủ của một ngôi nhà thì các ông phó chủ tịch giống như những người giúp việc đắc lực trong ngôi nhà ấy. Trong tư thế người giúp việc, liệu những ông phó có giúp cho chủ ngôi nhà cai quản ngôi nhà một cách sạch sẽ, tươm tất được không?
Phải hỏi thế là bởi giữa các ông phó chủ tịch với ông Chủ tịch VFF lâu nay thường có những mối quan hệ bất cân bằng. Thời ông Mai Liêm Trực làm Chủ tịch, ông thường quyết mọi thứ từ A đến Z, và khi ông đã nghĩ, đã quyết thì các ông phó chỉ có nước... gật đầu nghe lệnh. Hồi ấy, khi ông Trực bảo: "Bộ máy điều hành VFF thấp hơn mặt bằng xã hội" thì một cấp phó của ông đã chia sẻ với chúng tôi: "Dư luận cứ tung hô, ca ngợi câu nói ấy, chứ xét về bản chất câu nói ấy cũng có nhiều bất ổn". Nhưng đấy cũng chỉ là ý kiến theo kiểu "rỉ tai nhau" vậy thôi.
VFF sẽ đổi mới toàn diện dưới thời ông Lê Hùng Dũng
Nhưng đến thời của ông Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ thì mọi chuyện lại diễn ra theo chiều khác hẳn. Cái khác mà ở đó có nhiều thời điểm, nhiều sự vụ, quan điểm của cấp phó, cụ thể là ông phó tài chính Lê Hùng Dũng còn át cả ông chủ tịch. Ví dụ rõ nhất là khi VFF chọn thầy cho ĐTQG, và khi ông Hỷ bước đầu đã ưng ý với phương án chọn HLV Hoàng Anh Tuấn thì ông Lê Hùng Dũng lại đăng đàn nghi ngờ năng lực của ông Tuấn, và thế là sau đó ông Tuấn rớt đài.
Nhiệm kỳ VI VFF, đã có nhiều lúc chính những người trong bộ máy Liên đoàn cũng phải hỏi xem rốt cuộc thì ai: ông chủ tịch, hay ông phó chủ tịch tài chính mới là người có tiếng nói quyết định ở tổ chức này? Không mang tính cách nảy lửa, gay gắt kiểu ông Mai Liêm Trực, cũng không hiền hiền lành lành kiểu ông Nguyễn Trọng Hỷ, ông tân Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII Lê Hùng Dũng nổi tiếng là một doanh nhân nói ít nhưng nói chắc và nói sắc. Và những gì diễn ra trong bộ máy VFF suốt hai nhiệm kỳ qua chứng tỏ: một khi ông đã nói thì những người ở cạnh ông gần như không còn cơ hội... nói thêm vào.