11 cầu thủ V.Ninh Bình dính chàm, trong đó có 6 từng là tuyển thủ QG, 4 từng khoác áo ĐT U23, để đổi lại 800 triệu đồng. Đó thực sự là một cú sốc phải suy nghĩ.
Chẳng ai có thể ngờ những cầu thủ lại đánh đổi màu cờ sắc áo và tương lai của chính mình với một con số rẻ mạt đến giật mình như vậy. 800 triệu chia cho 11, người nhiều nhất cũng chỉ bỏ túi 85 triệu đồng. Dĩ nhiên, 85 triệu đồng cũng không phải là nhỏ, nhưng thật ra nó chẳng là gì so với thu nhập của các cầu thủ.
Dù do tác động của khủng hoảng tài chính, mà cái thời hoàng kim của bóng đá nội với lương khủng và thưởng liên tục đã qua đi, nhưng với những cầu thủ có số có má, từng ăn cơm tuyển thì 85 triệu cũng chỉ tương đương với khoảng 3 tháng lương (không kể thưởng). Đặt lên bàn cân như vậy thì thấy rõ ràng số tiền ấy chẳng đáng gì so với thu nhập của các cầu thủ. Nó không xứng đáng để người ta phải bán mình, trở thành kẻ tù tội hay ít nhất cũng trở thành "bia miệng" của cả xã hội.
Càng đáng trách hơn khi các cầu thủ V.Ninh Bình đã có một tấm gương nhãn tiền ngay bên cạnh . Đó chính là Văn Quyến. Ai cũng thấy số phận của Quyến béo đã thay đổi, tụt dốc thảm hại và bi đát thế nào sau vụ bán độ tại Bacolod. Quyến từ trên đỉnh danh vọng, đã tụt xuống đáy và gần như chỉ còn lay lắt chờ ngày giải nghệ. Ấy vậy mà, những người đồng đội của anh ở V.Ninh Bình vẫn không coi đó là bài học để răn mình, thì càng mông muội và đáng trách.
Hành động xấu xa của các cầu thủ V.Ninh Bình cũng tương tự như việc tiếp viên hàng không của VN Airlines dù đã có mức lương là sự mơ ước đối với phần đông người Việt Nam, nhưng vẫn nhắm mắt tham gia đường dây xách tay đồ ăn cắp để thu lợi. Số tiền họ thu được từ việc làm phi pháp này không ít, nhưng nó cũng chẳng đáng gì so với thu nhập chính đáng của họ. Và điều quan trọng hơn cả là mối lợi nhỏ nhoi ấy không đáng để người ta làm xấu mặt cả quốc gia cũng như tiêu tan sự nghiệp bản thân.