Nếu bảo rằng các CLB VN thờ ơ với chuyện sử dụng chất bị cấm của cầu thủ thì cũng chưa hẳn đã chính xác, bởi ai cũng biết cầu thủ của mình chỉ có thể đạt được phong độ tốt nhất nếu ra sân với trạng thái tâm lý và thể lực sung mãn nhất. Và việc một số đội bóng từ chối thu nhận hoặc thanh lý hợp đồng trước thời hạn với những cầu thủ có lối sống sa đoạ vì tệ nạn xã hội cũng không còn là chuyện lạ.
Tuy nhiên, chỉ bằng vào chừng ấy biểu hiện để cho rằng tất cả 28 CLB ở V-League và hạng Nhất đều rất coi trọng việc kiểm soát và phát hiện chất bị cấm với cầu thủ thì lại càng không chính xác, vì bản thân đơn vị tổ chức giải V-League và hạng Nhất mùa qua là VPF còn không hề tiến hành việc kiểm tra doping ngẫu nhiên với các cầu thủ thì làm sao có thể nêu gương cho các đội bóng?
Vụ việc của Huy Hoàng thực sự xứng đáng dóng lên một hồi chuông cảnh báo cho bóng đá VN
Việc lãnh đạo một số đội bóng như SHB.ĐN hay HN.T&T khẳng định rất coi trọng chuyện kiểm tra chất bị cấm với cầu thủ của mình chủ yếu xuất phát từ tâm lý “mất bò mới lo làm chuồng” hơn là do họ ý thức được tầm quan trọng của việc nói không với doping và ma tuý trong bóng đá, bởi trong quá khứ SHB.ĐN và HN.T&T đều đã từng có những bài học đau đớn vì cầu thủ của mình dính vào tệ nạn xã hội.
Đúng là để thiết lập được một mạng lưới kiểm soát và ngăn ngừa việc sử dụng chất bị cấm với các cầu thủ đang thi đấu ở V-League và giải hạng Nhất là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và tốn kém, nhưng như vậy cũng không có nghĩa vì những khó khăn khách quan mà chúng ta phải bó tay chịu trói, bởi đây là vấn đề liên quan tới sức khoẻ và cuộc sống của cầu thủ, vốn là những nhân tố chính của nền bóng đá.