Xin nói ngay, đó là ban cán sự ĐT Việt Nam: Minh Đức (đội trưởng) và 2 đội phó Tấn Tài, Công Vinh. Đó đều là những thương hiệu cỡ bự, những cựu binh trên bình diện các ĐTQG, đương nhiên rồi, nhưng tại sao và như thế nào, BHL ĐT Việt Nam lại trao nhiệm vụ dẫn dắt toàn đội cho họ? Chắc chắn phải có ẩn ý.
Tấm gương về tính chuyên nghiệp
“Tốt lắm “vịt” ơi!”, lời động viên kèm theo động tác vỗ tay của Công Vinh sau đường chuyền đầy ý đồ của Thanh Hưng (biệt danh “cu vịt”), dù quả bóng không tìm được đến nơi cần đến. Người ta không lạ với cách biểu lộ cảm xúc như thế của Công Vinh, trên sân tập và trong các trận đấu chính thức. “Cậu ấy mang trong mình dòng máu của một chiến binh. Luôn biết khích lệ đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, HLV Phan Thanh Hùng nhận xét về cậu học trò.
Công Vinh vẫn thế, ở bất kỳ cấp độ nào, từ CLB đến các ĐT “U” trước đây và ĐT Việt Nam sau này. Nhiệt tình, máu lửa và biết hy sinh, Vinh luôn là đầu tàu. Bất cứ ai cũng muốn làm đồng đội của Vinh cũng vì lý do này. “Tôi chiến đấu vì chủ nghĩa tập thể luôn ở trên đầu. Việc tôi ghi bàn hay không, không quan trọng, mà chiến thắng cuối cùng của đội bóng mới là thứ chúng tôi tìm”, Vinh đã nói thế từ trước khi anh là một thương hiệu, một biểu tượng và ngay lúc này vẫn vậy.
Minh Đức (3) xứng đáng là đội trưởng ĐT Việt Nam cả về chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức
Nếu như Công Vinh vẫn được biết đến như cầu thủ “có chí thì nên”, thì Minh Đức cũng đi lên bằng sự cần cù. Họ là những điển hình của đàn ông xứ Nghệ, biết hy sinh và biết vượt khó. Trong khi đó, Tấn Tài đã nổi lên như một biểu tượng mới của bóng đá phố biển từ khoảng 5-7 năm đổ lại đây. Tài lừa bóng không hay, sút xa không hiểm và chưa từng được biết đến như một chân chuyền, nhưng bất cứ HLV nào cũng muốn có anh trong đội hình. Điều đó là không đơn giản.