Có một thực tế bóng đá ta trong hơn 2 thập kỷ tái hội nhập, nhiều thời điểm chúng ta đã sở hữu đội hình trong mơ, nhưng chỉ vô địch một lần, riêng đấu trường SEA Games thì chưa.
Vậy thì do trò dở, hay là thầy chưa hay? Chúng ta mải miết đi tìm các thế hệ vàng, đội hình mơ ước, nhưng, chưa để ý đến một vấn đề cốt tử: đã bao giờ bóng đá Việt Nam sở hữu một đội hình trong mơ, từ trên băng ghế chỉ đạo?
Một êkíp BHL có năng lực và đồng thuận cao, điều đó có ý nghĩa quyết định chẳng khác gì một nửa sức mạnh đội bóng. Các ĐTQG luôn sử dụng thầy ngoại. Không phải thầy ngoại nào cũng tìm được tiếng nói chung với trợ lý nội. Hình bóng HLV nội lên ĐT vẫn rất mờ nhạt. Nếu để ý, họ chỉ thực sự là mình, một khi được giữ vai trò đóng thế.
ĐT Việt Nam đang có một ê kíp làm việc hiệu quả từ BHL cho tới tập thể các cầu thủ
Không phải trợ lý nội nào cũng trình độ kém cỏi quá xa so với thầy ngoại. Có chăng, nỗi ám ảnh trách nhiệm quá lớn, sự đối xử với họ còn bất công, nên ít người dũng cảm bước ra “ánh sáng” để nhận chức HLV trưởng. Một số lên nhưng không có đất dụng võ do HLV ngoại không hài lòng, như trường hợp HLV Lê Thụy Hải năm 2005, thành ra phản tác dụng.
Không thể nói HLV nội nắm ĐTQG là hướng đi lâu dài, bởi muốn vượt ngưỡng dứt khoát bóng đá Việt Nam, trong đó các ĐTQG, phải cần chuyên gia ngoại. Nhưng, trong bối cảnh hiện tại chúng ta buộc phải dùng thầy nội. Bởi lẽ, bao đời thầy ngoại chỉ thành công một người là HLV Calisto. Để rồi, bản thân ông Calisto cũng đã chứng tỏ chạm giới hạn ở môi trường bóng đá Việt. Đấu trường V-League nghiệt ngã, sự thắng thế của thầy nội là rõ ràng. Điều quan trọng hơn, cho dù thầy ngoại có ăn được “mắm tôm, thịt chó” thì họ vẫn không hiểu cầu thủ nội bằng thầy Việt. Có một nhược điểm chí mạng với tuyển thủ ta: tâm lý. Chúng ta chưa có chuyên gia tâm lý. Vậy thì, còn điểm tựa nào vững vàng, an tâm hơn đấy là các HLV nội. Vậy mà, đến HLV nội cũng không thể giúp đỡ được cầu thủ vượt qua những rào cản tâm lý nặng nề, bởi họ rất sợ vượt cấp HLV trưởng ngoại.