Ba quân dễ chọn, một tướng khó tìm. Với bóng đá ta, chọn được tướng tài thực sự là nỗi đoạn trường chưa có hồi kết. Người ta ví trong công cuộc tìm huấn luyện viên cho các đội tuyển quốc gia, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) như một ông bố khó tính kén rể cho cô con gái rượu.
Tại sao không là người cũ?
Huấn luyện viên Henrique Calisto đang thất nghiệp. Sự hiểu biết với bóng đá Việt Nam của ông có lẽ không cần kiểm nghiệm. Sự am hiểu bóng đá Đông Nam Á, ông “Tô” cũng xứng đáng là “ma xó”. Do ông đang ngồi chơi xơi nước, VFF hoàn toàn có thể thương thảo để mức lương cho vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha là phải chăng. Xét các tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”, ông Calisto xứng đáng là chàng rể số một. Nhưng tại sao VFF vẫn không đưa ông “Tô” vào kế hoạch? Điều đó, chỉ có họ mới biết.
Henrique Calisto (trái) có nhiều kinh nghiệm với bóng đá Việt Nam
Huấn luyện viên Radojko Abvamovic, người vừa đưa bóng đá Singapore đăng quang lần thứ tư ở AFF Cup, cũng đang tìm việc. Xét trong ma trận các tiêu chí, vị huấn luyện viên này cũng hội đủ tư chất của một “rể thảo”. Nếu như tiền lệ, có thể VFF đã vồn vã với ứng cử viên này. Nhưng họ vẫn không mặn mà. Kể cũng là một điều lỳ lạ.
Thời gian qua, cuộc “kén rể” cho bóng đá Việt Nam thực sự bí ẩn, úp úp, mở mở, giấu giấu, diếm diếm, lắng nghe dư luận…. Tất cả vẫn cho thấy sự loay hoay của VFF và Tổng cục Thể dục thể thao. Bỗng nhiên, vai trò của Hội đồng huấn luyện viên quốc gia được quan trọng hóa.
Chúng ta không thể khẳng định những người tên tuổi hơn có thể thành công hơn Calisto lẫn Avramovic. Trong bối cảnh này, cũng không thể khẳng định các huấn luyện viên nội hàng đầu, như Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thắng… sẽ lép vế. Đấy mới là vấn đề cần được nhận thức trong việc chọn huấn luyện viên cho hai đội tuyển quốc gia, để xây dựng các nguyên tắc cơ bản phục vụ một lộ trình mới cho bóng đá Việt Nam.