V-League 2012 mới đi được 2/3 chặng đường và ngoại trừ V.Hải Phòng coi như đã “nhắm mắt xuôi tay” thì danh tính chủ nhân chiếc vé thứ 2 xuống chơi ở giải hạng Nhất 2013 hiện vẫn còn bỏ ngỏ. K.KH là đội bóng đang có nguy cơ cao nhất, khi họ đang dẫm chân ở vị trí thứ 13 suốt mấy vòng đấu vừa qua và hiện đã kém 2 đội bóng đứng gần nhất là TĐCS.ĐT và K.KG đến 4 điểm.
Kể cũng nghịch lí khi 2 đội bóng được xem là rất giàu kinh nghiệm chinh chiến ở V-League và cũng chưa bao giờ bị xếp vào hàng ngũ “nhà nghèo” như K.KH và V.Hải Phòng lại gây thất vọng nặng nề như thế ở mùa bóng năm nay. Đấy là sự trái ngược hoàn toàn so với TĐCS.ĐT, K.KG hay kể cả Thanh Hoá, những đội bóng tuy không giàu, không sở hữu lực lượng hùng hậu, nhưng giờ đang có vị trí khá an toàn, và điều quan trọng hơn cả là họ có quyền tự quyết số phận của mình.
TĐCS.ĐT (phải) lập tức khởi sắc khi có sự xuất hiện của HLV Trần Công Minh trên băng ghế chỉ đạo
Vậy giữa K.KH và V.Hải Phòng với nhóm TĐCS.ĐT, K.KG và Thanh Hoá có điểm gì khác nhau và điểm gì giống nhau? Đấy là việc K.KH và V.Hải Phòng từng là những đội bóng giàu bản sắc nhất nhì V-League, nhưng chất địa phương và tính màu cờ sắc áo của họ đã phai nhạt khá nhiều trong mấy mùa bóng gần đây, khi 2 CLB này áp dụng chính sách “nhập khẩu” cầu thủ ngoại tỉnh với tốc độ ồ ạt.
Vẫn biết trong thời buổi bóng đá chuyên nghiệp không thể cứ khư khư với mớ lí thuyết về “ta về ta tắm ao ta”, nhưng rõ ràng bóng đá dù phát triển đến mấy cũng không thể bỏ qua yếu tố truyền thống, và tấm gương nhà nghèo vượt khó của những đội bóng như TĐCS.ĐT, K.KG hay Thanh Hoá chính là bằng chứng tiêu biểu cho cái gọi là vẻ đẹp của giá trị truyền thống. Xét từng vị trí trong đội hình và cả chế độ lương thưởng thì chưa chắc TĐCS.ĐT, K.KG hay Thanh Hoá đã có thể so bì được với V.Hải Phòng hay K.KH, nhưng nếu nói về sự gắn kết giữa những cầu thủ có chung gốc gác, xuất xứ thì TĐCS.ĐT, K.KG hay Thanh Hoá xứng đáng là số một.