Không ai ngạc nhiên khi bóng đá VN đang dần rơi vào giai đoạn trầm lắng sau một thời gian dài phát triển cực nóng với những khoản tiền khổng lồ được ném ra liên tục tới mức ngộp thở. Một nghịch lí rất dễ nhận thấy là không có đội bóng nào ở VN, dù là hạng Nhất hay V-League, có khả năng kiếm nổi 10 tỷ đồng trong một mùa giải chứ chưa nói tới chuyện tự nuôi sống mình, nhưng để nuôi một đội bóng hạng Nhất hoặc V-League mỗi năm thì phải tính bằng chục tỷ hoặc trăm tỷ.
Mà các cụ vẫn nói: “Miệng ăn núi lở”, tiền bạc đầu tư cho bóng đá chỉ thấy “vào” mà không thấy “ra” như thế thì hoạ có là núi bạc cũng có lúc phải hết chứ chẳng nói là người thường. Các ông bầu khi đến với bóng đá luôn giải thích rằng chỉ xuất phát từ tình yêu và sự đam mê với trái bóng tròn, nhưng trên thực tế thì chưa hẳn đã như vậy, bởi không có ông bầu nào đầu tư vào bóng đá mà lại không nhắm tới một lợi ích nào đấy, chẳng hạn như xin được cấp đất hay nhận được ưu đãi về chính sách đầu tư…
Có ít nhất 3 ông bầu muốn từ bỏ bóng đá theo tiết lộ của bầu Kiên
Chẳng phải ngẫu nhiên mà thời cực thịnh của bóng đá chuyên nghiệp (kiểu VN) cũng là lúc cơn sốt bất động sản ở VN lên đến đỉnh điểm, và lúc ấy liên kết với các đội bóng nước ngoài để mở học viện ở VN là mốt thời thượng với đa số những CLB ở V-League, nhưng thử hỏi từ bấy đến nay, ngoại trừ học viện HA.GL Arsenal JMG của HA.GL, có mấy học viện bóng đá đã đi vào hoạt động thực sự, hoặc thậm chí là có cơ ngơi đàng hoàng?!
Có thể đa số các ông bầu khi đầu tư cho bóng đá ít nhiều đều có hứng thú và đam mê thực sự, nhưng nếu bảo bóng đá với họ chỉ là một thú chơi đắt giá thì chưa hẳn đã chính xác, bởi một doanh nhân chân chính thì luôn phải biết trân trọng từng xu mà mình làm ra, và điều đó có nghĩa là hiếm khi họ vung tay quá trán với những đồng tiền mà mình phải đổ mồ hôi sôi máu mắt mới kiếm được.