Trang chủ > Bóng đá > VPF thỏa thuận hợp tác với J.League: Niềm tin ở tương lai

VPF thỏa thuận hợp tác với J.League: Niềm tin ở tương lai

  • 08/08/2012 17:15 |
  • Việt Nam

Với sự thăng tiến mạnh mẽ của bóng đá Nhật Bản trong thời gian gần đây, việc VPF ký kết được thoả thuận hợp tác với BTC J-League có thể xem là một động thái rất đáng hoan nghênh và hợp thời. Nhờ sự kết hợp này, chắc chắn những nhà tổ chức bóng đá Việt Nam sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm lý thú và bổ ích từ phía BTC J-League, những người chỉ đi trước chúng ta chưa đầy 10 năm, nhưng tương quan khác biệt giữa 2 nền bóng đá bây giờ thì không thể chỉ mô tả bằng lời nói.

Theo thông tin do ông Kazumi Ohigashi, Chủ tịch BTC J-League, cung cấp, Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở châu Á ký hợp đồng hợp tác với BTC J-League. Nói một cách khác, nếu coi việc hợp tác với BTC J-League để tìm cách học hỏi những điều hay của mô hình J-League là một hình thức kinh doanh nhượng quyền thì người Thái đã đi trước chúng ta một bước, và bây giờ Thai-League đang có sức sống tươi mới hơn hẳn so với V-League.

Vậy phải chăng sau lễ ký kết này thì bóng đá VN sẽ có cơ hội hoá rồng, hoặc ít nhất là sẽ mang lại diện mạo mới cho V-League trong thời gian không xa nữa? Câu trả lời là chưa chắc, bởi bóng đá Việt Nam có rất nhiều khác biệt so với Nhật Bản, trong khi giữa Thái Lan và Nhật Bản có rất nhiều nét tương đồng.

Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng (phải) và Chủ tịch BTC J-League Kazumi Ohigashi trong lễ ký thoả thuận hợp tác hôm qua
Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng (phải) và Chủ tịch BTC J-League Kazumi Ohigashi trong lễ ký thoả thuận hợp tác hôm qua

Chỉ lấy một ví dụ đơn giản, với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan, thể thao học đường ở những nơi này rất phát triển, và có rất nhiều cầu thủ chuyên nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Thái Lan trưởng thành từ thể thao học đường, trong khi khái niệm thể thao học đường gần như không tồn tại ở Việt Nam, và chẳng riêng gì bóng đá mà các môn thể thao khác đều lựa chọn hình thức đào tạo VĐV theo kiểu tập trung “gà nòi” từ nhỏ.