Cuối năm 2006, giới mộ điệu Việt Nam mắt tròn mắt dẹt khi hay tin Ninh Bình mua lại suất hạng Nhất của Sơn Đồng Tâm (đội bóng vốn có tiền thân là Ngân hàng Đông Á, Công an TP.HCM trước đây) với giá gần chục tỷ đồng. Cái giá đó bị xem là khá đắt đỏ (ít nhất là so với số tiền mà bầu Thắng bỏ ra để mua lại Ngân hàng Đông Á một năm trước đó), nhưng chính sách đi tắt đón đầu như thế vẫn còn rẻ chán.
Sau thành công ở trận chung kết Cúp QG năm đó, đất Ninh “buồn” mở hội thực sự, khi họ đã có một đội bóng đường hoàng, ra ngô ra khoai và đủ khả năng tranh chấp suất thăng hạng với phần còn lại. Cùng với sự xuất hiện của “siêu cò” Trần Tiến Đại (trong vai trò GĐĐH) ở mùa giải hạng Nhất 2008, rất nhiều những bản hợp đồng tiền tỷ được đưa về đất Cố đô để phục vụ mục tiêu này.
Bầu Trường (trái) chưa quyết có tiếp tục đầu tư cho đội bóng hay không
Bầu Trường nói riêng và người Ninh Bình nói chung cuối cùng đã toại nguyện với suất thăng hạng V-League 2009, nhưng đằng sau đó là rất nhiều những phát sinh, liên quan đến ngân quỹ hoạt động của đội bóng. Tuy nhiên, ngay vào thời điểm đó, bầu Trường lại không mấy bận tâm, cho đến khi tá hỏa. Ông Trường thậm chí đã đăng đàn khuyến cáo cả làng bóng đá Việt đừng làm ăn với “cò” Đại.
Quả thật, trong 3 năm (từ 2008 – 2010), V.NB “nhập siêu” thực sự và trở thành trạm trung chuyển cầu thủ. “Đã có thời điểm tôi phải làm việc với Cục Xuất nhập cảnh cho 30 cầu thủ người nước ngoài với đủ xuất xứ”, một thành viên cũ của ban lãnh đạo V.NB giờ nhớ lại vẫn còn lạnh xương sống. Mua đi, bán lại, nhưng số tiền sinh lời lại không rót vào ngân quỹ đội bóng. Nó đi đâu, không một ai biết.