Bóng đá Việt Nam đang đứng trước cuộc khủng hoảng toàn diện, lớn nhất từ trước đến nay. Một sự khủng hoảng không khó tiên liệu, tiếc rằng không thể ngăn chặn.
“Lọ mọ” làm bóng đá chuyên nghiệp
Cũng cần phải xác định, bóng đá chuyên nghiệp là đích đến của tất cả các nền bóng đá. Thế nhưng, chọn mô hình nào để phát triển bóng đá chuyên nghiệp, hợp với điều kiện chính trị và xã hội của mỗi nước, là điều quyết định đến thành bại.
Chúng ta vẫn có khái niệm phát triển niền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể hiểu đơn giản, sự quản lý, định hướng về mặt nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Các khán đài VIP ở V-League lúc nào cũng đầy đủ ban bệ
Bóng đá bao cấp ngày xưa tôn chỉ, nhiệm vụ rất rõ ràng: phục vụ chính trị. Bóng đá mang lại niềm vui cho nhân dân, chiến sỹ, đồng bào, góp phần giúp cho năng suất lao động tăng thêm, tạo sự phấn khởi chung cho sự nghiệp chung của đất nước.
Bóng đá chuyên nghiệp thì yêu cầu ngặt nghèo hơn: phải đẻ ra tiền. Các câu lạc bộ là một doanh nghiệp, thậm chí một tập đoàn kinh tế, tự nuôi sống bản thân bằng các nguồn, thông qua hoạt động bóng đá.
Sau 12 năm, từ rất nhiều hình thái hoạt động và mô hình phát triển nhưng cuối cùng, hướng đi phổ biến nhất là chuyển giao hẳn cho doanh nghiệp, trước khi ra đời các công ty cổ phần bóng đá. Từ việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức, điều hành giải chuyên nghiệp và hạng Nhất, đã chuyển sang cho một tổ chức khác là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Từ một giải chuyên nghiệp không theo mô hình nào, mang đậm chất “luật làng”, đã được VPF chính thức vận hành theo khuôn mẫu giải chuyên nghiệp Nhật Bản (J-League).