Hôm qua, trao đổi với báo chí về vấn đề bản quyền truyền hình V-League, ông Phạm Phú Hoà, Phó TGĐ VPF, xác nhận cho đến thời điểm hiện tại VPF vẫn chưa nhận được đầy đủ số tiền 50 tỷ đồng từ việc bán bản quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp cho Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm 10 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Ông Hoà không tiết lộ cụ thể còn những doanh nghiệp nào chưa chuyển tiền cho VPF mà chỉ nói rằng sở dĩ vì thủ tục chưa hoàn tất nên VPF chưa nhận được đầy đủ tiền từ các nhà tài trợ chứ không phải xảy ra khúc mắc hay sự cố nào.
Bất chấp những hình ảnh phản cảm thế này trên sân, V-League 2012 vẫn có giá bản quyền truyền hình lên tới 50 tỷ đồng
Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam với 10 doanh nghiệp bao gồm ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ngân hàng kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VP Bank) và ngân hàng Bản Việt được thành lập chủ yếu theo sáng kiến của bầu Kiên, và giờ đây khi ông bầu tóc bạc này đang phải ngồi trong trại giam thì nhiều người lo ngại rằng VPF sẽ khó lòng nhận được đầy đủ số tiền 50 tỷ đồng từ Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam như bầu Kiên từng hứa hẹn.
Sau khi VPF được AVG bàn giao lại hợp đồng bản quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp Việt Nam thì ngay lập tức người ta đã nhận thấy sự xuất hiện dày đặc của các doanh nghiệp thuộc Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam trong các chương trình quảng cáo giữa trận đấu ở V-League 2012, nhưng điều này không có nghĩa là V-League thực sự có giá tới mức thu hút được sự chú ý của những doanh nghiệp có lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng/năm.